Gương nghị lực MMT&TT số 4: Hồ Xuân Ân – Vươn lên từ miền quê nghèo khó

Có lần gặp Ân trong kí túc xá bán hàng handmade gây quỹ cho chương trình tình nguyện của chi đoàn, hỏi ra, Ân chỉ cười: “Mình nghèo, có người còn nghèo hơn, coi như những người nghèo san sẻ cho nhau cái nghèo đi vậy”. Có lẽ sống trong cảnh cơ hàn, hơn ai hết Ân hiểu rõ cuộc sống này khó khăn không phải chỉ riêng mình. Kiếm vài chục bạc lẻ từ mọi công việc part-time cốt chỉ cho vơi phần nào chi phí trọ học giữa đô thành. Ân vẫn học tốt, vẫn tham gia đều đặn có các hoạt động thiện nguyện. Và cậu sinh viên ấy vẫn cứ đi đi về về giữa những bộn bề của học tập và mưu sinh.

Đường chữ nghĩa vẫn còn xa lắm

Người ta vẫn thường nói, miền Trung lắm bão nhiều mưa, khi lụt lội, lúc khô cằn. Nếu hỏi người miền Trung có khổ không? Có mệt mỏi vì những bi ai mà vùng đất này phải trầm mặc gánh lấy những lãnh đạm của đất trời? Họ có cùng quẫn không trong cái nghèo cứ mãi bám riết, bủa vây thành từng nổi ám ảnh khoắc khỏi trong miếng cơm, manh áo? Họ sẽ trả lời là có. Có chứ, họ rất mệt mỏi với những mùa lũ triền miên. Ngoảnh đầu sang con nắng lại khô cằn. Đất cày lên sỏi đá, cày lên muối mặn truyền đời, từ cha sang con, cái nghèo vẫn mãi quẩn quanh. Nhưng họ có rời xa quê không? Có hỉ nộ vì những bất công của số mệnh để chối từ mảnh đất này? Không. Họ vẫn ở đó. Mệt mỏi nhưng kiên cường. Nghèo khổ nhưng tâm an. Họ bước ra từ gian truân – những thế hệ miền trung rắn rỏi.  Hồ Xuân Ân đã bước ra từ một thế hệ như thế đó.

Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, mảnh đất của hào khí Tây Sơn lưu thiên sử. Hành trang bước vào đại học chỉ có niềm tự hào của ba, và tình yêu thương của mẹ cùng những hy vọng đổi thay từ cả nhà dành cho Ân. Ân bước đi bên những canh cánh của nỗi lo mưu sinh. Con đường chữ nghĩa này vẫn còn xa lắm. Với Ân học hết mình, làm hết sức là điều duy nhất mà cậu có thể.

Khi kể về hoàn cảnh của mình, Ân chia sẻ: “Trong gia đình chỉ có ba mẹ là hai nguồn lao động chính tạo thu nhập để chi tiêu cho mọi công việc lớn nhỏ trong nhà. Những lúc thời tiết thuận lợi, ba mẹ tranh thủ trồng rau cải trên 2 sào ruộng để đem ra chợ bán, thu nhập tiền rau mỗi khi thu hoạch khoảng 2 triệu nhưng công việc chỉ mang tính thời vụ, chính vì thế những khi nông nhàn, ba mình đi phụ hồ cho mấy công trình để kiếm tiền xoay sở chi tiêu trong gia đình và mua thuốc cho nội. Khi biết tin mình đậu vào đại học ở Sài Gòn. Ba mẹ mình rất vui mừng nhưng trong lòng luôn nặng trĩu nỗi lo về tiền bạc, không biết làm cách nào kiếm được tiền để cho mình có thể hoàn thành hết 4,5 năm đại học một cách thuận lợi nhất. Trong những giao đoạn khó khăn ấy, ba mẹ đã vay mượn nhiều người để lo toan việc học cho mình và em mình. Thấy hoàn cảnh gia đình mình, tranh thủ những thời gian trống, mình tham gia các công việc bán thời gian để đỡ đần phần nào khó khăn của ba mẹ, tuy nhiên do áp lực học tập quá nhiều nên việc đi làm cũng không mang lại nhiều tiền để phụ giúp, phần tiền đi làm chỉ đủ chi trả tiền điện nước mỗi tháng cho kí túc xá”.

Sống với bà nội, cha mẹ cùng em trai đang học lớp 8, những tháng ngày ở Sài Gòn với Ân không chỉ có việc học. Bạn bè rủ nhau đi làm thêm, xa tít mù, Ân cũng đi. Ai treo bảng cần người giúp việc, Ân cẩn thận ghi lại để hôm nào không bận học, Ân đều ghé sang. Có những lúc nhớ nhà, Ân chỉ đành cúi mặt một mình, phận con thảo chỉ biết đành cố gắng. Đường về nhà xa cách nghìn trùng, dẫu nhớ mong cũng đành mà bước tiếp. Việc học việc làm đan xen khiến Ân có lúc mệt mỏi, bỏ cuộc, nhưng rồi như Ân vẫn thường nói: “Những khi gặp những khó khăn thì mình thường nghĩ về gia đình, nơi mà đang có bà nội, ba mẹ và em mình đang sinh sống. Nghĩ về những khó khăn, vất vả mà ba mẹ đang phải gánh chịu để cho mình có thể hoàn thành việc học. Những cái đó đã giúp cho mình có thêm động lưc để vượt qua những khó khăn, thử thách”.

Hãy chấp nhận thử thách như một thành công

Bước vào năm 4, công việc học tập luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ. Đồ án, bài vở, chuyện thực tập, tốt nghiệp và công việc tương lai luôn bám lấy Ân. Có lúc mệt mỏi, Ân như muốn buông xuôi tất cả, chạy về bên ba mẹ ở quê xa. Nhưng rồi, Ân biết buông xuôi chỉ làm ba mẹ đã nặng gánh lại thêm oằn vai vì mình. Ân vẫn còn nhớ một tuổi thơ khó nhọc cùng mẹ cha. Vẫn còn nhớ những hy vọng, mơ ước của cậu sinh viên năm nhất thuở nào. Và vẫn còn nhớ mười hai năm trường, miệt mài học tập để đến được Sài Gòn ra sao. Sài Gòn, với Ân cũng như bao con người khác, là nơi để tìm thấy những đổi thay cho cuộc sống nhọc nhằn. Sống giữa Sài Gòn, lạc lõng giữa hơn tám triệu con người ngày ngày vẫn ngang qua nhau. Ân hiểu rõ, không phải Sài Gòn mang lại sự đổi thay cho phận đời cơ cực, mà chính họ sẽ đổi thay bắt đầu từ những bước đi nơi đô thành.

Nói về mơ ước của mình, Ân chỉ nghĩ làm sao có thể phụ giúp mẹ cha và nhất là đứa em trai của mình, “nó cần một tương lai khác hơn”.  “Mơ ước của mình là sau khi tốt nghiệp có thể có được một công việc tốt, ổn định để có thể tự chủ cho cuộc sống của bản thân, nuôi em trai có điều kiện học tập, có thể giúp đỡ bố mẹ phần nào những khó khăn về mặt vật chất trong cuộc sống. Công việc mong muốn của mình sau khi ra trường đó là có thể trở thành một quản trị viên của một hệ thống mạng lớn”.

Chúng ta sẽ nghĩ gì về những dòng dưới đây mà Ân đã viết ra? Có phải đó chỉ là những lời tự nhắc nhở đối với chính Ân hay còn là những bộc bạch chân tình, mà cuộc sống khó khăn đã cho Ân hiểu được nhiều giá trị. “ Hãy sống hết mình, cống hiến những gì mình có thể và làm những điều mình thích. Mỗi người sinh ra có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng hoàn cảnh không phải là yếu tố quyết định đến sự thành công của một con người mà nó chỉ là một trong những thách thức trên con đường đến với thành công của bạn. Nếu bạn có đầy đủ ý chí, nghị lực và quyết tâm để làm việc thì chắc chắn bạn sẽ thành công. Người mà có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách đó để thành công thì người đó mới là người chiến thắng”.

Là một trong những sinh viên vượt khó học tốt được nhận học bổng “Tiếp lửa ước mơ sinh viên khoa MMT&TT năm 2015” do Liên chi Đoàn khoa MMT&TT thực hiện, Ân chia sẻ cảm xúc của mình: “Chương trình học bổng “Tiếp lửa ước mơ Sinh viên khoa MMT&TT” do Liên chi Đoàn khoa MMT&TT tổ chức là một chương trình rất hay và ý nghĩa. Chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình có thêm một phần kinh phí để trang trải cho những khó khăn của cuộc sống hiện tại, góp phần tạo thêm năng lượng cho mình có thể tiếp tục phấn đấu đến với con đường thành công. Mình hy vọng là chương trình sẽ ngày một lớn mạnh để có thể giúp đỡ được nhiều bạn khác cũng có hoàn cảnh khó khăn như mình vượt qua những khó khăn trước mắt. Chúc chương trình ngày càng thành công hơn nữa”.

HoXuanAn

Có lần, chương trình Phát thanh của kí túc xá trong mục “Bài hát tôi yêu”, có lời nhắn của một bạn sinh viên dấu tên, gửi cho ba mẹ ở Bình Định của mình như sau: “Con biết tương lai vẫn còn nhiều khó khăn. Con đã cố gắng hết sức để học tập, làm việc. Mong rằng ngày con trở về, dẫu không có những thay đổi lớn lao cho cuộc sống của gia đình mình, nhưng con tin chúng ta vẫn luôn hạnh phúc phải không ba mẹ?”.

PNA