Châu Thị Nguyệt – Nữ sinh viên mạnh mẽ, quyết liệt với đam mê Công nghệ thông tin

Châu Thị Nguyệt, cô sinh viên nhỏ nhắn nhưng vô cùng mạnh mẽ và quyết liệt với đam mê của mình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – nơi hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề của thiên tai cùng với hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nguyệt sớm tự ý thức phải cố gắng thật nhiều trong học tập để giúp đỡ gia đình cũng như thực hiện ước mơ của mình. Và trường ĐH Công nghệ thông tin là nơi mà Nguyệt gửi trọn đam mê vào đó nhưng gặp phải sự phản đối vô cùng quyết liệt từ bố Nguyệt. Nhưng điều đó không thể ngăn cản được đam mê của Nguyệt.

Sinh ra trong một gia đình khá đông con có 5 người gồm bố, mẹ và 3 chị em. Bố Nguyệt năm nay đã gần 60 tuổi nhưng vẫn làm những công việc nặng nhọc và xa nhà để có tiền phụ cấp chi tiêu cho cả nhà và việc học của 3 chị em. Mẹ lại bị bệnh tim nên không thể làm việc nặng. Thu nhập của cả nhà đặt cả vào vai bố. Là chị cả trong gia đình, chưa bao giờ Nguyệt cảm thấy xấu hổ hay bi quan với bạn bè về hoàn cảnh, Nguyệt luôn ý thức cố gắng thật nhiều để có thể đỡ đần cho bố mẹ và chăm lo cho các em. Nguyệt luôn tự nói với bản thân phải học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ.

Bằng sự cố gắng của mình Nguyệt đã cố gắng học tập, “trời không phụ lòng người”, sự cố gắng của Nguyệt đã được đền đáp, Nguyệt đã thi đậu Đại học. Nguyệt hi vọng Đại học sẽ là môi trường làm thay đổi số phận và cuộc sống gia đình của Nguyệt.

Quyết liệt với đam mê “bất chấp” sự phản đối quyết liệt từ bố

Đậu Đại học là một niềm vui lớn cũng như thành quả bao nhiêu ngày cố gắng của Nguyệt nhưng đây cũng là một áp lực rất lớn của Nguyệt khi gặp phải sự phản đối từ bố Nguyệt. Bố Nguyệt quan niệm rằng: “Ngành công nghệ thông tin là ngành không phù hợp với con gái” và bắt Nguyệt phải đổi ngành khác. Mặc dù khá buồn nhưng Nguyệt vẫn quyết tâm đăng ký vào ngành này. Bởi đây là ước mơ, niềm đam mê của Nguyệt.

Quá trình thực hiện ước mơ này, quả là một hành trình đầy gian nan nhưng chỉ có mẹ đồng ý, còn bố thì vẫn cương quyết không cho. Sau khi được mẹ đồng ý, Nguyệt và mẹ đã giấu bố nộp hồ sơ vào trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐHQG TP HCM (trường hiện tại Nguyệt đang theo học). Rất may mắn, Nguyệt đã đậu Đại học và vào chính ngôi trường mơ ước từ lâu. Nhận được thông báo trúng tuyển Nguyệt nghĩ cũng nên nói với bố, “dù sao đó cũng là bố của mình”. Nguyệt đã một lần nữa dũng cảm nói với bố về quyết định đó, chỉ hi vọng bố chấp nhận và vui vì con gái đã đậu Đại học, nhưng mọi thứ đi ngược lại với suy nghĩ, bố Nguyệt đã bắt em rút lại hồ sơ và nộp vào một trường đại học ở Đà Nẵng hoặc nghỉ học một năm và sang năm thi lại một lần nữa. Cả 2 bố con và cả mẹ đã có một thời kỳ “chiến tranh lạnh” với nhau.

Nguyệt chia sẻ: “Thời gian đó với Nguyệt có thể nói là một thời kỳ đáng sợ nhất”. Nguyệt đã nhờ mọi người cùng thuyết phục bố để được bố đưa đi nhập học nhưng bố Nguyệt vẫn một mực không đồng ý, cuối cùng, Nguyệt vẫn một mực: “Bố không đưa con đi thì con tự đi”. Trong khoảng thời gian này, mẹ là nguồn động lực của Nguyệt. Mẹ đã kiên quyết đưa Nguyệt vào Sài gòn nhập học. Câu nói của mẹ: “Anh không đứa con đi thì tôi đưa đi, anh không nuôi con học thì tôi nuôi”, câu nói ấy đã làm cho Nguyệt bật khóc, Nguyệt thấy thương mẹ hơn bao giờ hết và quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ ấy.

Cuối cùng mọi sự cố gắng, đấu tranh của hai mẹ con và trên hết là quyết tâm với đam mê của mình cũng đã được đền đáp xứng đáng. Đêm cuối cùng, trước khi rời nhà vào thành phố nhập học, bố Nguyệt đã nói với em: “Bố chịu thua con rồi”. Sau tất cả, bố Nguyệt cũng đã hiểu và cho em theo đuổi đam mê, ước mơ của em cho đến bây giờ.

Vượt qua rất nhiều sự cản trở từ hoàn cảnh gia đình đến sự phản đối của bố, khó khăn khác lại đến với Nguyệt. Điều kiện kinh tế gia đình là một vấn đề lớn, đi học xa bao nhiêu gánh nặng lại đặt lên vai bố. Là một cô sinh viên từ quê lên, lần đầu đi xa, lần đầu sống xa nhà, xa bố mẹ, đặt chân vào thành phố Hồ Chí Minh, mọi thứ đề rất xa lạ với Nguyệt. Nguyệt nhớ nhà lắm, mọi thứ Nguyệt đều phải tập làm quen, nào là phải quen với cuộc sống tập thể tại KTX, tập quen với môi trường học tập bậc đại học, tập quen với những nỗi nhớ nhà, … Thời gian đã tôi luyện cho Nguyệt trở thành một cô bé sống mạnh mẽ và sống có mục tiêu hơn. Ngoài việc học ở lớp, Nguyệt còn tìm thêm một số công việc làm thêm để đỡ đần cho bố mẹ chi phí sinh hoạt cá nhân.

Liên hoan cán bộ Đoàn – Hội cụm 3 tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (mặc áo đen, thứ 3, phải sang)

Cháy bỏng với ước mơ lập trình

Bản thân Nguyệt là nữ cũng như chúng ta đều biết rằng, máy tính đối với học sinh cấp 2, cấp 3 là một cái gì đó quá xa xỉ với chúng ta huống chi là lập trình ở một vùng quê thuần nông “một dòng code bẻ đôi cũng không biết”. Nhưng với Nguyệt thì khác, ngay khi biết lập trình Pascal, em đã cảm thấy nó lý thú và hấp dẫn, đó chính là đam mê. Nguyệt bắt đầu yêu thích lập trình hơn, và có định hướng ngay cho tương lại sau này là trở thành lập trình viên.

Ban đầu, khi mới làm quen với lập trình, ngôn ngữ mà Nguyệt tiếp xúc đầu tiên là Pascal, thông qua các bài tập của cô giáo dạy Tin học lớp 11. Sau đó vì yêu thích, Nguyệt đã tìm và làm thêm các bài tập trên các trang dạy lập trình để nâng cao kỹ năng. Lên đại học, được tiếp xúc với C/C++ lúc này Nguyệt mới chính thức tìm hiểu sâu hơn về lập trình đúng nghĩa. Nguyệt cố gắng làm hết tất cả những bài tập của môn nhập môn lập trình để có những kiến thức nền tảng. Sau đó tìm những bài tập khác trên sách hay trên mạng để củng cố những kiến thức mình đang có đồng thời luyện thêm khả năng tư duy. Hiện nay thì Nguyệt đang tìm hiểu và học về HTML để thiết kế web. Nguyệt rút ra kinh nghiệm rằng để học tốt lập trình thì ta cần phải thực hành nhiều, code nhiều và nâng cao khả năng tư duy. Không có một lập trình viên giỏi nào không code mà chỉ nhìn những đoạn code trên giấy cả.

Nguyệt tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học tập thật tốt để tiến gần tới giấc mơ trở thành một Chuyên viên điều tra tội phạm số, đây là định hướng và đam mê trong thời gian theo học tại trường. Nguyệt dự định học kỳ sau sẽ chuyển ngành, từ ngành Truyền thông và Mạng máy tính sang ngành An toàn thông tin. Em muốn chứng minh với bố em rằng em đã lựa chọn đúng con đường phát triển cho bản thân sau này và muốn bố mẹ tự hào hơn về em cũng như đỡ đần phần nào cuộc sống của cả nhà.

Bên cạnh việc ý thức và luôn chủ động cố gắng trong học tập, Nguyệt rất thích tham gia các hoạt đông tình nguyện. Hiện tại Nguyệt cũng có tham gia Chiến dịch Xuân tình nguyện 2018 (đội hình Bánh mứt). Hoạt động tình nguyện giúp cho Nguyệt trưởng thành hơn rất nhiều.

Nguyệt và những người bạn tại Trung tâm khuyết tật tỉnh Đồng Nai – Chiến dịch Xuân tình nguyện 2018 (đang ngồi, rìa ngoài cùng bên trái)

Nhắn gửi đến các bạn sinh viên khác cùng trang lứa, Nguyệt chia sẻ: Chúng ta là những người trẻ, tuổi thanh xuân của chúng ta còn dài. Vì vậy hãy nổ lực hết mình làm những điều mà chúng ta muốn, hoàn thành những ước mơ của mình. Bạn thích gì, bạn muốn làm gì, hãy thực hiện nó. Đừng để tuổi thanh xuân của mình trôi qua một cách vô nghĩa. Và đừng chỉ nghĩ cho mình mà hãy cống hiến hết mình cho xã hội, hãy giúp đỡ những người cần được giúp đỡ. Hãy sống để không bao giờ phải hối tiếc. Và hãy luôn tin rằng ”Người khác làm được thì bạn làm được. Bạn không làm được chứng tỏ bạn chưa cố gắng hết sức.”

Nguyệt là một trong những sinh viên tiêu biểu được Đoàn khoa MMT&TT cùng nhà tài trợ Volanalysis.com đã xét chọn và quyết định trao học bổng “Tiếp lửa ước mơ Sức trẻ MMT&TT” lần 2, năm 2018 với mong muốn sẽ thêm nguồn động lực để em tiếp tục nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của mình trong thời gian sắp đến.

Đoàn khoa MMT&TT cũng sẽ tiếp tục giới thiệu đến các bạn những gương sáng, gương nghị lực tiêu biểu được xét trao học bổng trong những ngày tiếp theo. Mời các bạn cùng theo dõi.

Tin – ảnh: LTCN – NTH