Làm thế nào để đạt điểm 10 Nhập môn lập trình?

ảnh đại diện

Có nhiều bạn thắc mắc tại sao những người xung quanh mình biết nhiều ngôn ngữ lập trình, đạt giải thưởng trong các cuộc thi khủng cùng với việc tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn – Hội, CLB – Đội – Nhóm mà kết quả học tập lại vẫn luôn cao. Bí quyết là “phương pháp học và ôn thi” hiệu quả. Hôm nay Ban học tập Khoa MMT&TT sẽ mách cho các bạn phương pháp ôn thi Nhập môn lập trình đạt điểm cao nhé! 

1 .Ôn lại những kiến thức căn bản

Nhập môn lập trình là một môn học đặc thù, do đó những gì ra trong đề thi cuối kỳ sẽ là những kiến thức từ đầu môn học đến giờ chứ không phải là chỉ từ sau khi thi giữa kỳ như một số môn học khác. 

Một số chủ đề các bạn cần ôn kỹ lại như sau: các lâu lệnh nhập/xuất, các kiểu dữ liệu, hàm, các câu lệnh rẽ nhánh (if else,…), các câu lệnh lặp (for, while do,..), mảng, xâu, con trỏ,…

Đây là những kiến thức rất căn bản, không chỉ theo chúng ta từ môn này mà còn là cả chặng đường theo đuổi nghiệp IT về sau nữa.

Một số trang các bạn có thể tham khảo và luyện tập các kiến thức trên:

  • W3Schools: Trang này là một trang chuẩn, kiến thức từ dễ đến khó phù hợp cho các bạn mất gốc. Dù có ngôn ngữ là tiếng Anh nhưng cũng không khó để đọc lắm đâu :))
  • Giáo trình “Nhập môn lập trình” của ĐH Khoa học Tự nhiên: Cuốn này mình nghĩ là cuốn sách về Nhập môn lập trình hay nhất mà mình từng đọc. Các thầy viết cực dễ hiểu mà còn có ví dụ minh họa rõ ràng bằng C++ và cả C nữa. Các bạn có thể tìm thấy nó ở tiệm sách kế bên trường ĐH KHTN trên đường Nguyễn Văn Cừ nhé. Giá 69k thì phải. Không phí đâu, nó sẽ giúp bạn dài về sau đấy.
  • NTUCoder: Trang này của ĐH Nha Trang, kiểu như Wecode của UIT ấy. Điều khác biệt là họ public cho chúng ta làm và nộp bài thôi. Bài tập cũng đi từ dễ đến khó, các bạn chỉ cần sắp xếp bài tập theo số lượt giải được rồi làm từ trên xuống dưới thôi. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem code của các cao thủ khác để học hỏi thêm về style code của họ nhé.
  • Kênh YouTube của thầy Khang: Nếu bạn mất gốc đến mức mà đọc cũng không hiểu, làm bài tập cũng không được thì phải nghe giảng thôi. Thầy Khang là sự lựa chọn số 1 nha, thực sự trên YouTube bây giờ có nhiều kênh dạy C++ nhưng chưa ai dạy dễ hiểu và phù hợp với sinh viên như thầy Khang. Đặc biệt là phần con trỏ thì nên học của thầy nhé :))
  • Kênh YouTube của Son Nguyen: Ông này chắc hợp với mấy bạn đã biết lập trình rồi nhưng không rành C++. 1 bài giảng rất ngắn chỉ khoảng tầm 4 – 6 phút nhưng kiến thức thì cực kỳ đầy đủ chỉ có điều hơi nhanh. Hồi đó mình khá best Pascal nên chỉ cần học ông này là đủ biết những thứ căn bản rồi :v
  • “Học thầy không tày học bạn” : Ủa thế nếu học mà vẫn có vài chỗ không hiểu thì làm thế nào? Cách nhanh nhất là bạn hãy chủ động đặt ra những người giỏi lập trình xung quanh mình để được chỉ dẫn nhé! Có nhiều thứ hay ho bạn sẽ nhận ra khi học cùng những người bạn của mình đấy.

2. Giải đề thi các năm trước

Thật ra thì đây là bước này là quan trọng nhất dù là môn học nào. Dù trên lớp bạn có hiểu tất cả những gì giảng viên nói, lên bảng làm bài, nộp bài vèo vèo nhưng nếu không có luyện đề vẫn rất dễ toanggg nhé. 

Bạn có thể xin đề các học kỳ gần đây từ các giảng viên, các anh chị đi trước. Mặc dù đề vài kỳ gần đây có vài sự thay đổi lớn so với các năm trước đó và không phải đề năm nào cũng như năm nào nhưng giải đề sẽ giúp cho bạn biết độ mức độ đề như thế nào, những gì bản thân còn thiếu và quan trọng nhất là giúp tâm lý bạn vững vàng, tự tin hơn hẳn.

Một lưu ý là các bạn chỉ cần làm lại đề của khoảng 2-3 năm gần đây thôi nhé. Chúng ta không phải là những nhà sử học đâu :))

3. Luyện code giấy thật nhiều

Một điều oái oăm khi thi giữa kỳ, cuối kỳ lại là code giấy mà nó còn chiếm phần lớn số điểm môn học nữa chứ ==’ Cái hay của việc code giấy là giúp sinh viên rèn luyện cả kỹ năng code và suy nghĩ nhưng nó cũng gây khó khăn cho khá nhiều bạn sinh viên. Tốt nhất là các bạn nên luyện code giấy trước ở nhà nhiều vào để làm quen nhé.

Trong đề thi các kỳ gần đây, mình thấy sẽ có 1-2 câu kiểu đọc code xong rồi các bạn điền kết quả chạy chương trình hoặc tìm ra lỗi sai. Mẹo ở đây là khi code nếu không nhớ cú pháp hay là cấu trúc chương trình thì các bạn có thể nhìn lên những đoạn code mẫu sẵn ở trên nhé! Nó sẽ giúp ích các bạn nhiều lắm đấy.

4. Vẽ lưu đồ

Có nhiều bạn mình thấy code rất đỉnh, thuật toán thần tốc các kiểu nhưng lại không biết vẽ lưu đồ… Thật ra thì cái này nó cũng không khó lắm, chủ yếu cần tư duy thôi. Nếu bạn đã code chuẩn rồi thì chỉ cần lên YouTube xem vài bài giảng của thầy Khang là ổn ngay.

Còn chuyện mấy cái ký hiệu trong lưu đồ, nếu quên thì cũng giống như mục 3). Biết tận dụng những gì có sẵn là một kỹ năng cần có trong lập trình đó :v

5. Hạn chế sử dụng các mẹo, thể hiện trình độ quá mức trong bài thi

Mình thấy trong lúc học có nhiều bạn hay gọi là “lách luật” trong kỳ thi kiểu người ta yêu cầu như thế này nhưng các bạn lại tìm ra các lỗ hỏng trong đề để tạo ra những lợi thế cực lớn cho mình trong lúc làm bài. Đôi lúc cũng có vài bạn lại thích dùng những thuật toán siêu hạng kiểu “lấy đại bác bắn con chim”. Mình có thể hiểu được tâm lý của các bạn nhưng môn này đòi hỏi các bạn phải làm đúng quy chuẩn. Nói chung là nó không hiệu quả trong môn này đâu, người ra đề và giám khảo sẽ không ủng hộ cách làm của bạn. Quan trọng nhất là giám khảo sẽ chấm tay chứ không phải chấm máy nên coi chừng mất điểm oan nhé. :v

6. Hãy dồn hết sức cho môn học này

Mình không nghĩ đây là một môn học khó vì trường chúng ta đã dạy các kiến thức rất nền tảng, căn bản và đi rất chậm để các bạn mới học lập trình có thể thích nghi được. Do đó, các bạn cũng nên học một cách hiểu bản chất bởi nếu không học như vậy bạn sẽ gặp khó ở những môn sau. Nếu đã xác định học Công nghệ Thông tin thì không có lý do gì để không học hết mình ở môn học này cả vì nó sẽ theo chúng ta về sau.

Chúc các bạn thi cử đạt kết quả cao nhất và hẹn gặp lại ở những môn học sau nhé!