Một lần tình cờ được dẫn xuống tầng hầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh chuyên viên trẻ chỉ vào một người đang cặm cụi soi kính lúp trên những trang giấy ố vàng và giới thiệu: “Chuyện đi tìm kỷ vật cứ hỏi bác Thái. Chiếc tủ gỗ ở nhà số 9 ngõ Compoint, Paris đang trưng bày ở bảo tàng là một trong những kỷ vật của Bác Hồ ở nước ngoài được mang về VN rất sớm. Bác Thái là người biết rõ chuyến trở về Tổ quốc của chiếc tủ gỗ ngõ Compoint đấy!”. Người cặm cụi soi kính lúp trên những chồng tư liệu về Bác Hồ chính là ông Trịnh Ngọc Thái (nguyên đại sứ VN tại Pháp 1992-1997).
Mô hình ngôi nhà số 9 ngõ Compoint, Paris, Pháp được trưng bày
tại triển lãm“Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường giải phóng dân tộc” ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội
Ảnh: Tiến Thành
Chiếc tủ gỗ ở ngõ Compoint
Một cuộc đời ăm ắp sự kiện, nhưng với ông Trịnh Ngọc Thái, chuyến trở về VN của chiếc tủ gỗ để lại một ấn tượng đặc biệt. “Đó là năm 1968, một ngày đầu mùa xuân, tuyết rơi dày và rất lạnh, đoàn đại biểu do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu đến thăm ngôi nhà số 9 ngõ Compoint – nơi Bác Hồ từng sinh sống”, ông Thái hồi tưởng.
Ngõ Compoint – con ngõ được coi là nghèo nhất của khu lao động nghèo – có bốn ngôi nhà lụp xụp. Ông Thái còn nguyên cảm giác xúc động khi lần đầu tiên bước vào căn nhà cũ kỹ trong ngày mùa xuân Paris rét buốt đó: “Người ta cứ nghĩ căn phòng trọ Bác từng ở dù không tiện nghi nhưng cũng phải tử tế. Nhưng khi đi bộ trong lúc tuyết rơi, nhiệt độ xuống mức âm, bước trên cầu thang gỗ ọp ẹp và vào căn phòng bé con con, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng”.
Một căn phòng không quá 9m2 chỉ đủ kê một giường cá nhân, một tủ gỗ đựng quần áo, một tủ nhỏ kê đầu giường dùng để viết lách và ngồi ăn cơm… “Mùa đông ở nước Pháp lạnh đến tê người, Bác đã sống thế nào trong một căn phòng không có lò sưởi, chỉ với một viên gạch ủ trong chăn? Một viên gạch bỏ vào chăn chỉ ấm được một lúc thôi, làm sao giữ ấm được suốt đêm?”, ông Thái xúc động nói.
Nhưng ngôi nhà sẽ bị phá bỏ vì quá cũ kỹ, một nơi lưu giữ nhiều ký ức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1921-1923 có nguy cơ biến mất. “Lúc trở về, ông Xuân Thủy đã nghĩ ngay đến việc làm thế nào để giữ được kỷ vật vô giá của Bác Hồ. Phải nhớ rằng đó là năm 1968, hai năm sau – tháng 11-1970 – ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh mới được thành lập”, ông Thái kể.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1974 những kỷ vật của Bác Hồ ở Paris mới được đưa về VN. Đó là chiếc tủ quần áo và chiếc tủ gỗ để đầu giường. Còn những hiện vật khác như tấm bảng sắt ghi số 9 ngõ Compoint, cánh cửa ra vào bằng gỗ, lavabo rửa mặt, tấm sàn gỗ… sau này được đưa đến căn phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống thành phố Montreuil (Pháp).
Hai người cận vệ tên là Cận và Lành đã áp tải các kỷ vật quý giá đó trên chuyến xe lửa suốt nửa tháng trời từ Paris (Pháp) qua Berlin (Đức), Ba Lan, qua Siberia (Nga), Trung Quốc rồi mới về tới Hà Nội. Hai kỷ vật của Bác được giao lại cho ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tìm Bác khắp năm châu
Theo bà Nguyễn Thị Tình (nguyên giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh), đến năm 2006 bảo tàng có chuyến đi tìm kiếm kỷ vật Bác Hồ. “Chuyến đó ba nhân viên bảo tàng đi Nga suốt một tháng trời. Tuy nhiên, gần một thế kỷ đã trôi qua, những hiện vật gắn bó với cuộc đời của Người hầu như không giữ lại được. Chúng tôi chỉ tìm kiếm được bản gốc các tác phẩm của Người, scan lại rồi mang về nước”, bà Tình cho biết.
Ba lần đến Nga, hai lần đến Pháp, rồi đến Đài Loan, Hong Kong…, hàng ngàn tư liệu có bút tích của Bác Hồ đã được mang về. Một cán bộ phòng sưu tầm bảo quản Bảo tàng Hồ Chí Minh kể: “Chúng tôi phải lần theo những manh mối rất nhỏ để tìm kiếm các kỷ vật của Người. Có những tư liệu chúng tôi chỉ tình cờ tìm thấy trước giờ lên máy bay hai tiếng. Tuy nhiên, trong số đó có rất nhiều tư liệu quý mà phải thuyết phục rất lâu mới có thể sao chụp được, vì theo quy định thời hạn giải mã mãi đến năm… 2014”.
“Nhiều tài liệu dưới dạng scan được mang về VN trong năm năm qua. Sau gần một thế kỷ mọi việc sưu tầm đã trở nên khó khăn hơn nhiều. Hơn nữa Người luôn sống ở những khu lao động nghèo với nhiều bí danh khác nhau nên khi chúng tôi tìm đến, những nơi đó đã bị đập đi để xây khách sạn và cao ốc”, bà Tình nói.
Hàng chục năm qua, đã có rất nhiều người lần theo hành trình của Bác để tìm kiếm kỷ vật và tư liệu về Người. Họ đặt chân trên những con đường Người đã đi qua, đến ngôi nhà Người từng ở, trăn trở tìm kiếm những vật nhỏ nhất từng gắn bó với Người. Nhiều kỷ vật của Bác Hồ đã trở về Tổ quốc bằng những con đường rất riêng như thế.
“Ông cố vấn” của bảo tàng
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông tất bật đi về giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh và ngôi nhà ở Hồ Xuân Hương nhìn ra hồ Thiền Quang nhiều gió. Ở bảo tàng mọi người gọi ông là “ông cố vấn” Trịnh Ngọc Thái. Bởi nhiều năm nay ông giữ vai trò cố vấn, nghiên cứu, dịch các bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. “Ông cố vấn” chẳng có phòng riêng, chiếc bàn nhỏ và cũ kỹ đặt ở phòng bảo quản dưới tầng hầm bảo tàng là nơi ông ngồi làm việc.
Hơn 80 tuổi nhưng ông có số lượng công việc còn rất nhiều. Đi tìm kiếm, dịch tư liệu, ghi chép và viết sách… mỗi ngày của ông cứ xoay vòng cho từng đó việc. Nhiều cuốn sách về Bác Hồ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đều có bàn tay đóng góp của ông.
Với ông Trịnh Ngọc Thái, việc dịch những tư liệu có bút tích của Bác Hồ còn là một duyên nợ. 51 năm về trước, ông Thái chính là phiên dịch trong các buổi làm việc chung của luật sư Loseby khi ông sang VN theo lời mời của Bác. “Điều thú vị khi dịch cho ông Loseby chính là cung cách nói chuyện của Bác với ông luật sư tự nhiên như người một nhà. Bác thường đến không báo trước và ở lại chơi rất lâu. Đi đâu Bác cũng giới thiệu ông luật sư là ân nhân của Bác, dù trong cuộc gặp với công nhân hay học sinh”, ông Thái nhớ lại.
Theo Tuổi trẻ Online